Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Thơ ẤN Độ - Tagore


Rabindranath Tagore (6 tháng 5 năm 1861 – 7 tháng 8 năm 1941) – nhà thơ, nhà văn, nhà triết học, nhà viết kịch, nhạc sĩ và họa sĩ Bengal, Ấn Độ đoạt giải Nobel Văn học năm 1913 “cho những bài thơ của ông với sự cảm nhận sâu sắc, độc đáo và đẹp, bằng kỹ năng hoàn hảo đã thể hiện những ý nghĩ nên thơ, mà theo lời của chính ông, đã trở thành một phần của văn học của phương Tây”. Tagore là người châu Á đầu tiên đoạt giải thưởng này. Tác phẩm của ông được hai quốc gia chọn làm Quốc ca: Jana Gana Mana (Quốc ca Ấn Độ) và Amar Shonar Bangla (Quốc ca của Bangladesh). Quốc ca của Sri Lanka cũng được lấy cảm hứng từ tác phẩm của ông.

Tiểu sử:
Tagore là con thứ mười bốn của một điền chủ - nhà cải cách tôn giáo giàu có. Ông đi học ở trường một thời gian ngắn; về sau học ở nhà với cha. 8 tuổi, Tagore nổi tiếng giỏi văn nhất vùng Bengal; 13 tuổi có thể sáng tác nhạc, họa, đọc sách cổ bằng tiếng Phạn và dịch kịch Shakespeare; 17 tuổi sang Anh du học; năm 1880, trở về Ấn Độ, viết vở nhạc kịch đầu tiên. Từ giữa những năm 1880, Tagore sáng tác nhiều tập thơ, truyện ngắn, kịch; về sau, khi trở thành chủ bút các tờ báo khác nhau ông đã tự in tác phẩm của mình. Hầu hết sáng tác viết bằng tiếng Bengal, trong đó có một phần được Tagore dịch sang tiếng Anh.
Là người yêu nước nhiệt thành, nhưng Tagore không thể hiện mối quan tâm lớn đến chính trị, và việc từ chối ủng hộ Gandhi của ông đã làm thất vọng nhiều người hâm mộ ông ở Ấn Độ. Tagore coi điều quan trọng hơn cả không phải là thay đổi chính thể, mà là phục hưng dân tộc, cho rằng có thể tổng hợp những tinh hoa từ các nền văn hóa Đông và Tây. Vì mục đích đó, năm 1901 ông thành lập trường tư thục Santiniketan dành cho học sinh nam tại thái ấp cùng tên của gia đình ở ngoại ô Calcutta; năm 1921 nơi đây trở thành trường Đại học Tổng hợp Quốc tế Visvabkharati dành cho các nhà khoa học có nguyện vọng tìm hiểu các nền văn minh Phương Đông. Tagore dành phần lớn thời gian trong những năm cuối đời của ông cho việc phát triển trường đại học này và cho nhiệm vụ đoàn kết thế giới trong nền văn hóa quốc tế. 50 năm sau Visvabkharati trở thành một trường Đại học Tổng hợp danh tiếng thế giới.
Năm 1910 ra đời tiểu thuyết sáng giá nhất của Tagore - Gora - ủng hộ tính nhẫn nại tôn giáo và chính trị. Năm 49 tuổi Tagore xuất bản bằng tiếng Anh tập thơ Gitanjali (tiếng Bengal có nghĩa là Lời dâng). Thi phẩm này là lý do cho việc đề cử trao giải Nobel Văn học năm 1913, được cả thế giới công nhận là kỳ công thứ hai của văn học Ấn Độ (sau Shakuntala của Kalidasa, nhà thơ lớn Ấn Độ sống khoảng thế kỷ thứ V). Đang ở Mỹ, Tagore không đến Thụy Điển nhận giải, chỉ gửi một bức điện cảm ơn ngắn. Nhà thơ hiến số tiền nhận từ giải thưởng cho ngôi trường của mình để miễn học phí cho học sinh. Thời kỳ sau Lời dâng Tagore bắt đầu được tôn vinh ở Tổ quốc của mình như một vị thánh.
Từ năm 45 đến 59 tuổi, Tagore lần lượt đi thăm các nước Nhật, Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Liên Xô; năm 1929 ông đã đến thăm Sài Gòn 3 ngày. Năm 1915, ông được vua Anh phong tước hiệu quý tộc, nhưng sau vụ thảm sát ở Amritsar năm 1919, ông đã từ chối danh hiệu đó. Tagore được trao học vị danh dự của bốn trường đại học tổng hợp Ấn Độ và trường Đại học Tổng hợp Oxford.
Năm 68 tuổi Tagore bắt đầu vẽ tranh và triển lãm ở Munich, New York, Paris, Moskva và nhiều nơi khác. 80 tuổi Tagore qua đời tại quê hương Calcutta sau 2 năm bị mù, để lại 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, diễn văn, hồi ức, thư tín cùng hàng ngàn ca khúc và tranh vẽ vô giá.

* Tác phẩm:
- Câu chuyện nhà thơ (Kabikahine, 1878), trường ca.
- Tiếng hát buổi chiều (Sandhya sangeet, 1882), thơ.
- Tiếng hát buổi sáng (Prabhat sangeet, 1883), thơ.
- Lễ hiến sinh (Visarjan, 1890), kịch.
- Một lí tưởng (Manasi, 1890), thơ.
- Con thuyền vàng (Sonar tari, 1894), thơ
- Khoảnh khắc (Khanika, 1900), thơ.
- Tặng vật (Naivedya, 1901), thơ.
- Kí ức (Sharan, 1902), thơ.
- Hạt cát nhỏ (Cokher bọli, 1903), tiểu thuyết.
- Đắm thuyền (Naukọdubi, 1906), tiểu thuyết.
- Trẻ thơ (Sisu, 1909; năm 1915 đổi tên thành Trăng non), thơ.
- Gora (1910), tiểu thuyết.
- Vượt biển (Kheya, 1906), thơ.
- Hi sinh (Naibedya, 1910), thơ.
- Lời dâng (Gitanjali, 1910), thơ
- Thân chủ của gia đình (Raja, 1910), kịch
- Vô cảm (Achalayatan, 1912), kịch
- Sở bưu điện (Dakghar, 1912), kịch.
- Hồi ức (Jibansmriti, 1912), thơ.
- Đá khát và những câu chuyện khác (Hungry stones and other stories, 1913), tập truyện.
- Bài hát tưởng niệm (Gitimalya, 1914), thơ
- Người làm vườn (The gardener, 1914), thơ.
- Vòng hoa thơ (Gitali, 1914), thơ.
- Ngôi nhà và thế giới (Ghare - baire, 1916), tiểu thuyết
- Thầy tu khổ hạnh (Xaniaxi, 1916), kịch.
- Mùa xuân trở lại (Phalguni, 1916), kịch.
- Đường bay của chiếc cần cẩu (Balaka, 1916), thơ
- Mùa hái quả (Fruit - gathering, 1916), thơ.
- Tặng vật (Lover's gift, 1918), thơ.
- Kẻ lánh nạn (The fugitive, 1921), thơ.
- Thác nước (Muktadhara, 1922), kịch
- Cây trúc đào đỏ (Rakta - karabi, 1926), kịch
- Dòng chảy (Yogayog, 1929), tiểu thuyết
- Cuộc khủng hoảng của nền văn minh (Sabhyatar sankat, 1941), tiểu luận.



Một số bài thơ:

TA HẠNH PHÚC

Ta hạnh phúc sinh ra ở đất nước này!
Mẹ hiền ơi, ta yêu người tha thiết!
Mẹ giàu có chăng, nữ hoàng chăng – ta không biết.
Trong hơi mát của người ta sung sướng lắm thay!

Ở đâu đẹp hơn rừng hoa, đồng cỏ mùa xuân?
Và ở đâu vui hơn dưới trăng cười lấp lánh?
Dễ thương hơn cuộc đời, ta nhìn trên quê hương ánh sáng
Sẽ chiếu rọi cho ta trong giấc mộng cuối cùng.


KHI CHIM HÓT TRONG YÊN LẶNG

Khi chim hót trong yên lặng
Không biết rằng hồn của chim
Đem dâng mặt trời buổi sớm.
Khi lớn lên một thân cây
Sự nở hoa là lời cầu nguyện
Nhưng mà cây không biết điều này.


KHI TA KHÔNG LÀM VIỆC

Khi ta không làm việc, mà nghỉ ngơi
Không có sự thảnh thơi, chỉ là trống rỗng
Và chỉ có công việc làm xứng đáng
Mang lại cho ta khái niệm thảnh thơi.


CẦU VỒNG DÙ ĐẸP LẮM

Cầu vồng dù đẹp lắm
Vẽ lên chốn xa xôi
Tôi yêu đôi cánh bướm
Nơi mặt đất tôi ngồi.


ANH ĐANG NÓI GÌ

Anh đang nói gì, anh hãy nói thêm và nhắc lại
Anh đang yêu, cứ nhắc hoài đến tận buổi bình minh
Nhắc lại lời anh không chỉ một, hai, ba lần
Anh đang yêu, lời “anh yêu em” hãy luôn nhắc lại.


KHI KHÔNG NHÌN THẤY EM

Khi không nhìn thấy em trong giấc mộng của anh
Thì anh cứ ngỡ rằng vang lên lời cầu khẩn
Để cho mặt đất sẽ biến mất dưới chân
Và để bám vào bầu trời đêm hoang vắng
Anh giơ hai bàn tay lên trong nỗi kinh hoàng.
Anh sợ hãi thức giấc và nhận thấy rằng
Em đang ngồi đan len, mái đầu em cúi xuống
Em ngồi gần bên anh bất động
Cả thân hình như bức tượng lặng im.


NHỮNG ĐÁM MÂY BAY GẦN

Những đám mây bay gần che khuất những vì sao
và lời trên môi anh cũng đã tắt, như sao.
Có thể anh thốt ra điều gì nhưng ngọn gió rì rào đã che tai em lại
và tiếng thì thầm dưới mưa tan chảy…
Em bước đi, không ngoái lại, em xa rồi
và giấu đi nỗi đau của anh dòng nước mưa rơi.
Có thể một khi nào đó em còn quay trở lại?...
nhưng ngọn gió lúc này – than ôi - đã biến mất mãi mãi.



CHỈ MÌNH ANH VÀ EM

Ngày hôm nay chỉ mình anh và em
ngày hôm nay mưa rào như trút nước
ngày hôm nay màn sương như bức tường.
Dưới tiếng sấm, tiếng mưa anh liều chết
nói những lời chỉ hiểu mỗi mình em.

Tất cả hoang vu, chết lặng xung quanh
chỉ còn lại tiếng mưa rơi và sấm.
Hai tâm hồn cô đơn, trong rì rầm, yên lặng
chốn không người, trong đau đớn cơn giông
hai chúng mình sẽ hiểu nhau hơn.

Xung quanh ta tất cả đều bóng tối
và cuộc đời, có thể, chỉ là gian dối.
Nhưng bốn mắt nhìn nhau không giấu điều gì
cơn run rẩy bí huyền không dối trái tim kia.
Mất hút trong mưa tất cả những gì còn lại.

Sẽ không có một chút gì không phải
rằng trong ngôi nhà hoang vu nương náu hai người
trong ngôi nhà này không phiền muộn gì ai
khi trong tháng Srabon(1) cơn mưa run rẩy
mang đến niềm vui cho cả hai người.

Ngọn gió hôm nay gào thét khôn nguôi
và xuyên qua màn sương tia chớp.
Và lời của anh – không làm sao hiểu được –
thật dễ dàng đến với trái tim em
ngày hôm nay mưa rào như trút nước.
_______________
(1)Srabon - một tháng trong mùa mưa.


NẾU GIÓ NỔI TRONG TIM

Nếu gió nổi trong tim, hãy nhổ neo – hãy căng buồn lên.
Bơi trong đại dương tình yêu không nhìn ngó – hãy giang rộng cánh buồm.
Gió đập vào mắt, lệ tuôn trào - đó là trong tim giông tố.
Người thủy thủ trong bóng đêm! Hãy quên ngọn hải đăng – hãy giang rộng cánh buồm.


EM CÙNG VỚI BẦU TRỜI CHÁY LÊN

Em cùng với bầu trời cháy lên từ hoàng hôn đến tận bình minh
cùng với bầu trời bằng bài ca từ hoàng hôn đến tận bình minh.
Như trong rừng mưa ngọn gió khóc than cùng chiếc lá
em hãy khóc bằng tất cả trái tim mình và nỗi buồn hãy dâng tặng cho anh.


TÓC BẠC

“Tóc bạc ơi, ngươi được kính trọng và ngươi mạnh mẽ?”
Câu hỏi đầy ganh tỵ của những mái tóc đen.
“Cho các ngươi cả đấy – tóc bạc thốt lên buồn bã
Nhưng hãy trả cho ta màu tóc của buổi đầu tiên”.


KHEN NGỢI VÀ CHÊ BAI

Khen ngợi và chê bai hỏi nhà thơ câu này:
“Chúng tôi ai là bạn, là kẻ thù của ngươi?”
Nhà thơ trả lời ngay: “Chẳng có gì phải giấu
Cả hai đều là bạn và kẻ thù của tôi”.


CON LỪA

Một con lừa khát nước đứng bên hồ nước
Kêu: “Nước đen thế này làm sao uống được!”
Có thể nước màu đen để dành cho con lừa
Còn nước màu sáng cho những đầu óc sáng suốt.
  


TA KHÔNG ĐỢI

Ta không đợi ở em điều cứu rỗi
Và không chờ sự giúp đỡ từ em
Hay thậm chí chỉ vài lời an ủi
Nhưng hãy cho sức mạnh để vượt lên.

Ta còn lại một mình, quên tất cả
Hãy cho ta sức lực để giữ mình
Dù thời gian dối lừa ta thậm tệ
Hãy cho ta sức mạnh để hồi sinh.

Ta không cần em bảo vệ cho ta
Mà sức mạnh từ con tim em đó
Không cần em chia sẻ niềm đau khổ
Mà chỉ cần sức mạnh để vượt qua.

Ngày hạnh phúc ta tin tưởng ở em
Ngày đau khổ - ta không trách phận số
Khi thiên hạ dối lừa ta như thế
Em đừng để ta đánh mất niềm tin.


CUỘC SỐNG

Trong thế giới đầy nắng này, tôi không muốn chết đi
Mà muốn được sống muôn đời trong khu rừng hoa nở
Nơi con người ta vẫn cứ ra đi để rồi lại quay về nữa
Nơi những trái tim thổn thức và hoa gom những giọt sương
Cuộc sống đi trên mặt đất bằng sự kế tiếp của ngày và đêm
Bằng thay đổi của gặp gỡ và chia ly, hy vọng và mất mát -
Nếu những niềm vui và nỗi đau mà bạn sẽ nghe ra trong bài hát
Của tôi thì sự bất tử trong khu vườn vẫn soi sáng hằng đêm
Nếu bài hát của tôi chết thì tôi vẫn đi qua cuộc đời của mình
Bằng một giọt vô danh trong cái dòng sông bất tận
Và tôi vẫn sẽ gieo những bài hát, như hoa, trong khu vườn lớn
Để những người mệt mỏi sẽ ghé đến vườn hoa ngát hương
Để họ sẽ cúi xuống rồi ngắt những bông hoa trên đường
Rồi sẽ ném chúng đi, một khi chúng phải trở về cát bụi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét