Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Thơ ẤN Độ - Kabir


Kabir (tiếng Hindi: कबीर, tiếng Punjab: ਕਬੀਰ, tiếng Urdu: کبير) – nhà thơ thần bí Ấn Độ thời trung cổ, nhà cải cách nổi bật của phong trào Bhakti, tác gia cổ điển của văn học tiếng Hindi.

Trong lịch sử của tư tưởng tôn giáo ở Ấn Độ, Kabir chiếm một vị trí độc đáo. Đối với người theo Ấn Độ giáo – ông là thánh Bhakti, đối với người Hồi giáo – ông là một vị giáo chủ, còn đối với người theo đạo Sikh – ông là hóa thân (avatar) của thần Hindu.

Tiểu sử:
Ngày sinh hay ngày mất của Kabir không ai biết được chính xác. Một số nhà sử học cho rằng ông sống vào quãng 1398 – 1448, một số khác lại cho là quãng 1440 – 1518.

Ông sống trong một thời đại khi mà hai nền văn hóa - Ấn Độ giáo và Hồi giáo ở Ấn Độ được hòa nhập thành một hiện tượng văn hóa thú vị và độc đáo tổng hợp Ấn Hồi giáo. Điều này ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác nhau trong đời sống của người Ấn Độ: từ tôn giáo, triết học đến văn học, nghệ thuật. Không ngẫu nhiên mà trong thơ Kabir biểu hiện rõ sự tổng hợp này. Ông sinh ra là người Hindu và được người Hồi giáo dạy dỗ. Ông không ngừng lặp đi lặp lại rằng ông không phải là người Hindu mà cũng không phải là người Hồi giáo.

Trong các tác phẩm của ông cũng vậy. Kabir luôn đi con đường của riêng mình và không hoàn toàn chia sẻ quan điểm của bất kỳ truyền thống tâm linh nào của thời đại mình. Ông không thừa nhận nghi lễ Hồi giáo, Ấn giáo cũng như  những lời thệ nguyện và kinh điển (kể cả kinh Vệ Đà và cổ tích Puranas), từ chối (mặc dù không phải luôn luôn) lý thuyết avatar, ông cũng không chia sẻ thái độ coi tập yoga như một cách chính của việc nhận thức Thượng Đế vv…

Học thuyết:
Tinh hoa thơ và cuộc sống của Kabir, giống như Rumi, là ý tưởng về tình yêu đối với Thượng Đế, một tình yêu bình đẳng và toàn diện. Nhà thơ Thánh dạy rằng con người không phải là tôi tớ của Thượng Đế mà là người bạn; không phải là kẻ nô lệ, cúi đầu trước mặt Ngài, mà là một người yêu thương, nhìn thấy ở Ngài sự nâng đỡ đối với mình. Theo quan điểm Rumi và Kabir, lòng tin đích thực không phải là theo đúng nghi lễ và quy định của tôn giáo mà là sự trong sạch của con tim. “Kaaba - Rumi dạy - không phải là ở Mecca, mà trong trái tim mình”. Niềm tin vào sự hợp nhất của nhân loại và giá trị của sự tôn thờ Thượng Đế duy nhất ở trong mỗi trái tim con người là cơ sở của nhà thơ thiền Sant Mat, nhà cải cách của phong trào Bhakti.

Kabir mơ về một xã hội công bằng mà trong đó, người hạnh phúc là người không chạy theo danh vọng, coi mọi người đều bình đẳng và sống theo nghĩa vụ của mình. Cơ sở của xã hội này phải không chỉ có Bhakti (tình yêu đối với Thượng Đế), mà còn Prema (tình yêu chung của tất cả mọi người). Thượng Đế phải được ở trong trái tim con người để trái tim thông qua tình yêu đối với Thượng Đế đến với mọi người.

Cái chết:
Về cái chết của Kabir cũng có một giai thoại rất nổi tiếng. Tương truyền, Kabir sống thọ 119 năm, 5 tháng 27 ngày và qua đời năm 1518 tại làng Maghar gần Gorakhpur. Khi Kabir cảm thấy cái chết đến gần thì ông sửa soạn đến Maghar. Điều trớ trêu là Kabir cả đời sống ở thành phố Benares vốn được coi là vùng đất thánh ở Ấn Độ. Những người dân ở đây van xin ông không rời khỏi Benares. Tuy nhiên, Kabir nói rằng tất cả mọi người phải chết ở nơi họ muốn, và những ai chết ở Maghar sẽ sống mãi. Khi đến Maghar, ông chọn một túp lều tranh, sai lấy hai tấm vải và một bó hoa sen rồi sai đóng chặt cửa và chỉ để ông ở đó một mình. Sau một thời gian những học trò trở lại thì không thấy thi thể của Kabir. Người ta chỉ nhìn thấy hai tấm vải và những bông hoa sen. Những người Ấn giáo lấy một tấm vải và hoa sen hỏa táng theo phong tục của mình, hiện tro vẫn được thờ ở Benares. Tấm vải thứ hai được người Hồi giáo đem chôn ở Maghar. Sau đó ở nơi này người ta dựng hai bia mộ: một của Ấn giáo, một của Hồi giáo và trở thành chốn hành hương của cả hai tôn giáo.



Một số bài thơ:
***
Những gì bạn có thể mang đi từ đây?
Bạn đến đời này bằng bàn tay nắm đấm
Nhưng bạn ra đi khỏi cuộc đời này
Với lòng đôi bàn tay mở rộng.

***
“Tôi” và “Của tôi” – đấy là những điều tai họa:
“Của tôi” – xích dưới chân, “Tôi” – vòng treo trên cổ.

***
Tình yêu không như hoa mọc trên đồng
Không bán mua, tình yêu không có giá
Vua chúa, thường dân đều như nhau cả:
Nhận tình yêu, nếu trao cuộc đời mình.

***
Ai thấy vợ người ta đẹp thì đem
Lòng yêu thương, giống như kẻ ăn đường
Ăn thì ngon nhưng mà không biết được
Thứ đường này có thuốc độc bên trong.

***
Đời là một căn phòng đầy bồ hóng
Hạnh phúc cho ai sống bằng niềm hy vọng
Hết cuộc đời rồi bước ra khỏi phòng
Mà không làm bẩn áo quần của bạn.

***
Hoa nở – để rồi tàn; nhà xây – để rồi đổ sập
Trăng mọc lên – để lặn; người sinh ra – để chết.
  
***
Ngày tháng trôi, đời trở nên ngắn hơn
Đời – như nước, còn ta – như bong bóng
Ta biến mất giống như sao buổi sáng
Khi bắt đầu xuất hiện ánh bình minh.

***
Từ bên kia chưa ai quay về cả
Để hỏi câu: “Bên đó sống thế nào?”
Mà ngược lại, tất cả chui vào mộ
Câu hỏi này có ai phản hồi đâu.

***
Lòng đam mê, yêu không phải vợ mình
Không có gì tai họa bằng chuyện ấy
Đời là một đại dương. Mà dưới đáy
Những người vợ là những quái vật đại dương.

***
Không thể yêu vừa sự thật, vừa gian dối
Vừa lòng tốt lại vừa tiếng kim tiền
Đừng gắng làm một cái trống đáng thương

Mà người ta đánh cùng lúc hai phía.

***
Giống như con ngươi trong mắt
Thượng Đế trong hồn con người.
Đi tìm Ngài từ bên ngoài
Là việc điên rồ, vô ích.

***
Tôi muốn đốt mình để hướng trời xanh
Khói của tôi bay trên những cánh đồng
Để cho thần Rama nhìn thấy khói
Sẽ đổ mưa và sẽ thắp lửa lên.

***
Khi Kabir “đã đi” thì người ta dễ nhận
Rằng Kabir đã không còn trong cõi người ta
Chỉ có thần Rama gặp Kabir âu yếm
Như với một con bê, con của một con bò.

***
Tâm hồn ta đớn đau nặng nề đến thế
Còn đôi mắt ta từ lâu không ngủ.
Ta chờ lời gọi của người yêu thương
Trong ngôi nhà cha mẹ ta cảm thấy buồn…
Và đây, trước mặt ta bầu trời rộng mở
Ngôi đền cấm lúc này đang mở cửa
Bên cửa ra vào ta gặp người thương
Ta trao cho người cả thể xác, linh hồn.



THƠ VỀ CÁI CHẾT

*Người đời sợ cái chết, còn ta thì vui mừng. Vì rằng chỉ ở trong cái chết ta mới có được hạnh phúc đích thực.

*Mỗi người đều chết, nhưng không ai biết được chết ra sao. Hãy chết sao cho bạn không phải chết lại.

*Không kẻ nói dối nào có thể chịu được sự kiểm tra của đá thử Rama (thần của Ấn giáo). Chỉ người chịu đựng được là người đang sống mà như đã chết.

*Xương cháy như củi, tóc cháy như cỏ. Nhìn thấy thế gian này đang cháy làm cho Kabir trở nên buồn.

*Thầy thuốc chết, con bệnh chết. Chỉ một mình Kabir không ai thương tiếc thì không chết.

*Một người chết, thể xác được chôn – những dấu hiệu rất rõ ràng. Nhưng ngay cả biết được điều này, sinh vật sống cũng không từ bỏ sự vô nghĩa của thế giới mà mắt nó nhìn thấy. 

*Cuộc đời thì ngắn ngủi, thế mà người ta lại biến nó thành một sân khấu lớn để biểu diễn. Cuối cùng, tất cả sẽ đi ra khỏi thế giới này – giàu, nghèo, vua chúa đều vậy cả.

*Rồi sẽ đến một ngày, khi với tất cả đành phải chia tay. Ôi Raja, hoàng hậu, vua! Tại sao bây giờ không đi quan tâm về tương lai?

*Đừng hếch mũi lên khi nhìn vào xác thân đẹp đẽ của mình. Một ít nữa thôi, rồi bạn sẽ phải giã từ với nó như con rắn với làn da cũ.

*Đừng hếch mũi lên khi nhìn ngôi nhà cao đẹp của mình. Một ít nữa thôi rồi bạn sẽ về nằm dưới đất, còn phía trên cỏ sẽ mọc lên.

*Đừng hếch mũi lên, vì rằng cái chết đã vồ lấy mái tóc đen. Không biết được rồi bạn sẽ chết ở đâu – trong nhà mình hay ở nơi xa lạ.

*Bố mẹ tôi – là những người xa lạ, tôi cũng là người xa lạ với hai người. Chúng tôi chỉ tình cờ gặp nhau trên con thuyền trôi trên dòng sông của sự tồn tại.

*Đây – là ngôi nhà xa lạ, nơi kia – mới là ngôi nhà đích thực của ta. Ta đi đến đây ra chợ để bán buôn. Ta bán đi thành quả của việc ta làm rồi ra đi không mà còn quay trở lại.

*Nếu một người sống mà như đã chết, từ bỏ tất cả những ham muốn trần tục để phục vụ Chúa tể của mình thì Hari (Đấng Tối Cao) sẽ bảo vệ đầy tớ của mình khỏi đau khổ.

*Chết khi còn sống, thành một kẻ bị người đời khinh bỉ ngoài nghĩa địa – không ai hiểu được bí mật của ta. Chỉ có Hari dịu dàng gọi ta, như một con bò yêu con bê của mình bé nhỏ.

*Nếu ta đốt ngôi nhà giả thì ta cứu được cho ngôi nhà thật, còn nếu ta giữ gìn ngôi nhà giả thì ta đánh mất ngôi nhà thật. Ta nhìn thấy một điều kỳ diệu – ai chết khi còn sống, người này chiến thắng cái chết.

*Cái chết tốt hơn là cuộc sống ở trong thế giới của sinh tử cho những ai biết làm thế nào để chết. Ai chết trước cái chết của mình, người đó trở thành bất tử trong thời đại Kali Yuga (một phần tư trong vòng thời gian của Ấn giáo).

*Đêm hôm nay hoặc sáng ngày mai nó sẽ bắt ta ở trên đường. Con người là con chim sẻ mà cái chết là con chim ưng thích săn mồi một cách bất thình lình.

*Cái chết đang đứng trên gối giường của bạn. Hãy thức giấc, hỡi người bạn thân yêu! Tại sao chưa có tình yêu đối với Rama (thần của Ấn giáo) mà bạn ngủ yên được vậy?

*Cả thế giới đang ngủ, chỉ có một vị thánh không thể ngủ, bởi vì Ngài nhận ra rằng cái chết đang đứng ở đầu giường, giống như chú rể đứng chờ trước cổng nhà cô dâu vậy.

* Hôm nay ông nói: “Ngày mai tôi sẽ đọc Hari”. Ngày mai nói lại: “Ngày mai”. Vì vậy, việc trì hoãn từ ngày này sang ngày khác là đánh mất thời gian thích hợp.

* Con người giống như một con chim mổ từng hột thóc – ý nghĩ lóe lên trong từng khoảnh khắc. Linh hồn chưa được miễn giải thoát vì lo lắng thì Yama (thần chết) đã đến và đánh trống.

*Cái gì lên – rồi sẽ xuống; cái gì đến – rồi sẽ đi; cái gì xây – rồi sẽ đập bỏ; cái gì sáng tỏ - rồi sẽ lụi tàn.

*Đàn đã đứt dây. Đàn còn biết làm gì nếu như người chơi đàn đã bỏ đi? (Đàn ở đây được hiểu là thể xác còn người chơi đàn là linh hồn).

*Kẻ lữ thứ bước trên đường, khoác một cái bị trên lưng, còn ở phía trước là cái chết đang đợi – tất cả trong đời này là ảo ảnh thế thôi.

*Năm tháng đi qua, sức tàn lực kiệt, ngay cả màu của tóc và da cũng đổi thay. Sự hủy diệt này là không thể phục hồi, dù có ăn năn đến mấy.

*Hãy yêu Hari (Đấng Tối Cao), đừng suy nghĩ gì nhiều. Như con vật bị buộc bên cánh cửa, nó không biết còn sống được bao lâu, ngươi thì cũng không biết được sẽ chết khi nào.

*Thể xác là phù vân còn linh hồn thì cũng không bền vững, thế mà con người cứ khư khư với cái của mình không nhớ tên Rama. Nhưng con người càng sống vô tư thì cái chết cười càng lớn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét